Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Ba Lập trồng mít siêu sớm

Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao. Với 9 công đất sản xuất (0,9 ha), mỗi năm ông thu nhập gần 450 triệu đồng.
Giống mit siêu sớm
Ông Hồ Văn Lập kể, trước đây, khu đất trên trồng lúa, mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, đồng đất nhỏ hẹp, không chủ động được nguồn nước lại ở diện gò cao nên năng suất kém và thu nhập bấp bênh. Từ khi hai ô bao Đông và Tây Ba hoàn thiện ngăn lũ bảo vệ sản xuất đã tạo điều kiện để trồng cây ăn quả đặc sản, ông Lập quyết tâm chuyển đổi cây trồng phù hợp. Thời điểm năm 2003, qua một người quen ở Đồng Nai giới thiệu giống mít Thái siêu sớm có nhiều ưu điểm như: dễ trồng, cho trái sớm, chất lượng ngon, ông mua 10 cây giống với giá 25.000 đ/cây về trồng gây giống và nhân ra khu vườn.
Với phương pháp ghép cành và chế độ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, 3 năm sau ông đã có vườn mít 9 công đất, mít cho trái lúc lỉu đầy cành. Vườn mít sang tuổi thứ 5, thứ 6, năng suất ổn định và mỗi năm mỗi cao. Ông Hồ Văn Lập cho biết, mít Thái siêu sớm ngoài ưu điểm cho trái sớm, sau 18 tháng kể từ khi trồng còn cho trái rải vụ quanh năm và năng suất đạt 40 – 50 tấn/ha. Những năm qua cũng là thời kỳ hoàng kim của cây mít Thái siêu sớm tại đồng bằng sông Cửu Long.
Vào những tháng đầu năm do mùa nghịch của các loại trái cây nên mít có giá cao. Có lúc mít Thái siêu sớm được thương lái mua 25.000 đ – 27.000 đ/kg. Một trái mít trọng lượng trung bình 15 – 20kg, bán được trên nửa triệu đồng, nhà vườn tiên phong trồng giống cây này như ông Hồ Văn Lập tha hồ đếm tiền.
Ngoài ra, ông Lập còn tích cực nhân và cung cấp cây giống ghép cành cho bà con. Mỗi cây giống mít tốt, chất lượng ông bán giá 10.000 đ – 12.000 đ. Trung bình mỗi năm ông cung ứng thị trường 17.000 cây giống mít Thái siêu sớm trong suốt 3 – 4 năm qua, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng tiền bán cây giống. Giống tốt, chất lượng nên được nhà vườn hết sức tín nhiệm. Ông Hồ Văn Lập có biệt danh “vua mít Thái siêu sớm Ba Lập” từ đó.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Làm giàu từ 10 cây mít

Từ 10 cây giống đầu tiên

Từ ngã tư Cai Lậy rẽ trái theo tỉnh lộ 868, đi chừng 5 cây số qua cầu Thanh Niên hỏi thăm nhà “Vua mít” thì ai cũng biết. Đó là biệt danh người dân đặt cho ông Hồ Văn Lập ở ấp 4, xã Cẩm Sơn. Ông nổi tiếng nhờ làm giàu và tạo được thương hiệu “mít Ba Lập”.
Vua mít Hồ Văn LậpVua mít Hồ Văn Lập - Ảnh: H. Phương
Chất phác, rặt nông dân, nói chuyện với khách nhiều lúc thấy ông còn e ngại vì trả lời không được trôi chảy. Nhưng đó là nói về chuyện khác, chứ khi chúng tôi hỏi về kỹ thuật trồng mít như thế nào cho hiệu quả thì ông kể vanh vách. Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, ông vào đời sớm và trải qua nhiều gian nan, vất vả trước khi tạo được cơ ngơi và thương hiệu.

“Hồi xưa ở nhà quê cưới vợ sớm lắm. Tôi lập gia đình khi mới ngoài 20 tuổi và lăn lộn với đủ thứ nghề nhưng vẫn nghèo. Đầu tiên là làm nghề đăng tôm, cá, lặn lội dưới sông. Thấy không khá nổi, tôi đi làm công cho chủ máy suốt lúa. Làm thuê một thời gian, tôi dành dụm tích lũy được một ít tiền liền mua máy suốt và tự mình làm chủ. Vài năm sau, tôi mua được dàn máy xới rồi đi xới đất mướn. Hết suốt lúa, xới đất, tôi chuyển sang trồng táo. Trồng táo rất cực vì phải chăm sóc kỹ. Mỗi tuần phải xịt thuốc một lần vì táo có rất nhiều sâu nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Tôi làm hết mình, quần quật, mà vẫn nghèo”, ông Lập kể.

Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003 khi ông Lập đi thăm người bà con ở Biên Hòa và tình cờ làm quen với người chủ trại cây giống. Ông Lập kể tiếp: “Nghe ông ấy giới thiệu về một loại mít có nguồn gốc từ Thái, tôi tò mò mua 10 cây giống về trồng thử. Chăm sóc kỹ và đợi một năm rưỡi sau, 10 cây mít đầu tiên cho trái. Tôi ăn thử thấy rất ngon mới bắt đầu ghép cành, nhân giống ra trồng đại trà. Đặc điểm của loại mít này là múi to, cơm dày, ăn giòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, tôi ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên, đến nay vườn mít 9.000m2 của tôi có chừng 600 cây mít đủ cỡ. Vừa trồng vừa tặng bạn bè, bà con hàng xóm cùng trồng. Đến nay cả xóm đều trồng giống mít do tôi nhân ra. Vào đợt thu hoạch, ai đi ngang qua đây đều nghe thơm lừng mùi mít”.

Trở thành tỉ phú mít

Hỏi vì sao người ta gọi ông là “Vua mít”? Ông Lập thành thật: “Vì tôi là người đầu tiên đem mít về trồng chuyên canh và thành công ở vùng này. Lúc đầu, khi có ý định trồng mít đại trà, nhiều người khuyên nên tìm giống cây khác vì xưa nay chưa có ai làm giàu nhờ trồng mít bao giờ. Ngay cả người thân trong gia đình cũng không tin là tôi sẽ thành công. Hồi cuối năm ngoái, giống mít của tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa với thương hiệu mít Ba Lập”.

Ông Lập cho biết đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác liên tục, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng. Vì vậy, để trái có trọng lượng lớn, bán được giá cao, cần phải tỉa bỏ bớt. Tùy theo độ tuổi của cây mà chừa trái cho thích hợp. Trung bình nếu bón phân, tưới nước đầy đủ thì mỗi đợt chỉ nên chừa lại chừng 10 trái mỗi cây. Khi thu hoạch, mỗi trái có trọng lượng từ 20 đến trên 30 kg là bình thường. Càng ít trái thì trọng lượng mỗi trái càng lớn. Với giá mít dao động từ khoảng 28.000 đến 34.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi trái mít có thể bán được hơn 500.000 đồng. Như vậy mỗi đợt thu hoạch, một cây mít có thể thu được trên 6 triệu đồng và một năm có thể thu hoạch được 3 lần.

Vườn mít của ông Lập có chừng 600 cây nên mỗi năm có thể thu được tiền tỉ là dễ hiểu. Đó là chưa kể nguồn thu nhập từ bán cây giống. Chỉ riêng năm 2011 ông Lập cung cấp ra thị trường gần 20.000 cây mít giống. Với giá 12.000 đồng/cây, ông thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.

Trồng mít cho thu nhập cao nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc ít và công chăm sóc đơn giản hơn nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, thường mỗi năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch là vào mùa thu hoạch rộ nên trái cây thường bị rớt giá. Để tạo lợi thế cạnh tranh, ông Lập cho biết phải xử lý cắt bỏ khi trái còn nhỏ, không cho mít ra trái và thu hoạch vào thời điểm bất lợi đó. Nhờ vậy mà vườn mít của ông luôn bán được với giá cao, tránh được tình trạng được mùa, rớt giá. Ngoài ra, nhờ trồng chuyên canh nên mỗi đợt thu hoạch cho sản lượng lớn nên cả cây giống và trái đều được thương lái đến mua tại vườn, không phải chuyên chở đi đâu.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Lập luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cho cây giống và giúp đỡ nhiều người khác cùng trồng và thoát nghèo từ cây mít. Điều mà ông thường khuyên các nông dân khác là phải thật quyết tâm, siêng năng, còn lại chuyện kỹ thuật thì có thể học hỏi, và ông luôn sẵn lòng chia sẻ.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Mít giống Ba Lập được cấp chứng nhận Thương hiệu Việt

Giống mít Ba Lập được biết đến là cây xóa nghèo, làm giàu ở những địa bàn thuần nông.


Chiều 22/10, Trung tâm Phát triển Thương hiệu Việt (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã cấp chứng nhận Thương hiệu Việt cho mít giống Ba Lập do ông Hồ Văn Lập có địa chỉ tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sản xuất.
Cùng với chứng nhận Thương hiệu Việt, ông Hồ Văn Lập còn nhận được chứng nhận sản phẩm hàng hóa độc quyền do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp cho giống mít Ba Lập.
Giống mít Ba Lập là một giống mới không chỉ cho năng suất cao mà còn có chất lượng ngon và đang được thị trường ưa chuộng.
Giống mít Ba Lập trồng sau 18 tháng đã cho trái, cho năng suất bình quân 40 – 50 tấn/ha và cho trái quanh năm.
Hiện giống mít này có giá 30.000 đồng/kg, mỗi ha cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng./.